Hương thảo, Tây dương chổi – Rosmarinus officinalis L., thuộc họ Hoa môi – Lamiaceae. Mùa hoa tháng 3-5.Mô tả: cây nhỏ cao 1-2m, phân nhánh và mọc thành bụi. Lá nhiều, hẹp, hình dải, dai, có mép gập xuống, không cuống, màu xanh sẫm và nhẵn ở trên, phủ lông rải rác màu trắng ở mặt dưới. Hoa xếp 2-10 ở các vòng lá, dài cỡ 1cm, màu lam nhạt hơi có màu hoa cà với những chấm tím ở phía trong các thuỳ. Toàn cây có mùi rất thơm
Bộ phận dùng: Ngọn cây có hoa và lá, chủ yếu là lá khô. Tinh dầu của ngọn cây có hoa – Herba et Oleum Rosmarini.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Nam Âu châu, Tây Á và Bắc Phi trước đây, được nhập trồng ở nước ta, tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam (theo A. Pételot). Thường trồng bằng cách giâm cành hay gieo hạt. Khi thu hoạch, dùng các ngọn cây có hoa, đem phơi hay sấy khô, đập lấy lá. Lá tươi được dùng làm gia vị.
Thành phần hóa học: Cây chứa tinh dầu và tanin. Tinh dầu (0,5% ở cây khô, 1,1-2% ở lá, 1,4% ở hoa) mà thành phần gồm có a-pinen (tới 80%), terpen, borneol, acetat bornyl, camphor, cineol và một sesquiterpen (caryophyllen). Nếu mới cất, tinh dầu là một chất lỏng không màu hay vàng vàng, về sau sẫm dần và cứng lại, có thể hoa tan vào rượu theo bất kỳ tỷ lệ nào. Cây chứa choline, một glucosid không tan trong nước, một saponosid acid, các acid hữu cơ (citric, glycolic, glyeeric) và hai heterosid là romaside và romarinoside; còn có acid rosmarinic.
Tính vị, tác dụng: Hương thảo có vị chát, nóng, mùi thơm nồng, hơi se, có tính tẩy uế và chuyển máu, dùng với liều thấp, nó gây sự dồn máu ở các cơ quan vùng bụng và kích thích sự tiết dạ dày và ruột; nó cũng lợi tiểu. Với liều cao, nó gây co thắt và chóng mặt. Tinh dầu có tác dụng thông ruột, lợi mật và lợi tiểu. Người ta biết được tác dụng của Hương thảo là do sự có mặt của acid rosmarinic và các flavonoid, nó cũng có những tính chất chống oxy hoá cũng do có acid rosmarinic.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở châu Âu, người ta cũng dùng lá Hương thảo làm pommat và thuốc xoa trị thấp khớp và đau nửa đầu. Nước hãm (nấu một nắm lá trong ½ lít nước để chiết hết thuốc) dùng rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu khỏi. Dùng trong nước hãm này dùng lợi tiểu và gây tiết mật. Lá tươi dùng làm gia vị.
Ở Philippin, Hương thảo cũng rất được ưa chuộng.Người ta dùng nước hãm để điều trị viêm giác mạc nhẹ bằng cách rửa mắt 3-4 lần trong ngày. Người ta cũng dùng nấu nước cho phụ nữ mang thai tắm và dùng để tắm hơi trị thấp khớp, xuất tiết và bại liệt. Toàn cây gây kích thích và lợi trung tiện trong trường hợp trướng bụng, khó tiêu.
Tinh dầu Hương thảo được sử dụng ở Ấn Độ làm thuốc lợi trung tiện. Tinh dầu này tham gia vào thành phần Eau de Cologne; người ta nói rằng nó giữ độ bóng của tóc và cũng là một chất kích thích khuyếch tán. Có thể dùng trong với liều 3-5 giọt, nhưng thông thường chỉ dùng đắp ngoài.